Hà Nội: Thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông
Theo Đại Đoàn Kết để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi khảo sát học sinh lớp 11 và lớp 12 toàn thành phố.
Nhiều năm nay Hà Nội tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Năm học 2023 – 2024, đối tượng khảo sát mở rộng tới cả học sinh lớp 11. Lý giải điều này, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đây là lứa học sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2025 – kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thời gian dự kiến của đợt khảo sát là vào tháng 3 hoặc tháng 4/2024. Toàn thành phố sẽ có khoảng 200.000 học sinh lớp 11 và lớp 12 tham gia.
Trước đó, ngày 29/12/2023, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực – cấp độ tư duy kèm theo. Qua đó, giáo viên và học sinh sẽ được biết đề thi gồm mấy phần, có những dạng thức câu hỏi trắc nghiệm nào, những (thành phần) năng lực nào được đánh giá trong đề minh họa. Các câu hỏi trong đề minh họa gắn với các bối cảnh có ý nghĩa (bối cảnh có tác dụng/có giá trị nhất định đến đời sống, thực tiễn, khoa học).
Cô Hoàng Thị Tú Anh – giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Việt Nam – Ba Lan, Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại đã bước sang chương trình học kỳ 2. Mặc dù trời rét, lạnh nhưng sĩ số học sinh của lớp vẫn duy trì đầy đủ. Để chuẩn bị cho đợt khảo sát sắp tới, bên cạnh việc dạy kiến thức theo phân phối chương trình, cô cũng tiến hành ôn tập các dạng bài cho học sinh theo định dạng đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước. Trong đó, tùy đối tượng học sinh học trung bình, khá, giỏi cô sẽ định hướng cho các em ôn tập phù hợp với năng lực của mình, với phương châm không học tủ mà là học phương pháp để rơi vào bất cứ đề thi nào các em cũng có thể làm được.
“Đây là năm cuối cùng thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành nên không có nhiều thay đổi trong định hướng ôn tập cho học sinh. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt nhất vẫn cần sự rèn luyện tích cực từ phía học sinh, sự sát sao của giáo viên và gia đình” – cô Tú Anh nhấn mạnh.
Em Minh Anh – học sinh lớp 12D1 (Trường THPT Việt Nam – Ba Lan, Hà Nội) chia sẻ đợt khảo sát như một cuộc tập dượt của em và các bạn trước kỳ thi tốt nghiệp quan trọng nên ngay từ bây giờ em đã bắt đầu tăng tốc ôn tập. Bên cạnh việc hoàn thành kiến thức trên lớp, em đã bắt đầu làm một số đề thi thử sức để rèn tốc độ, kỹ năng làm bài. “Thời gian này, chúng em được thầy cô định hướng học đến đâu chắc đến đấy, kết hợp ôn tập, hệ thống lại kiến thức đã học để nhìn ra những điểm còn thiếu sót để khắc phục. Theo kinh nghiệm của các anh chị khóa trước, Tết chính là thời điểm lý tưởng để bù lấp những lỗ hổng nên em dự định sẽ học xuyên Tết năm nay” – Minh Anh cho hay.
Trong khi đó, em Nguyễn Mạnh Cường – học sinh lớp 11 (Trường THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, em đã nghiên cứu kỹ đề thi minh họa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT công bố. Nhìn chung, kiến thức không quá khó với khả năng của em tuy nhiên để đạt điểm tối đa thì vẫn cần rèn thêm về tốc độ làm bài. “Em đang học tổ hợp khoa học tự nhiên và dự kiến sẽ xét tuyển đại học bằng tổ hợp này nên với đợt khảo sát sắp tới em khá mong chờ sẽ sát với kỳ thi thực tế. Bên cạnh đó, em vẫn sẽ có thêm các phương án dự phòng để xét tuyển đại học vào năm sau như thi chứng chỉ ngoại ngữ, SAT… nên cũng không quá áp lực” – Mạnh Cường nói.
Tại kỳ khảo sát năm học 2022 – 2023, học sinh lớp 12 làm các bài khảo sát theo hình thức và thời gian tương tự như với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, các em làm 4 bài kiểm tra; trong đó 3 bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Học sinh lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên làm 3 bài kiểm tra, trong đó có hai bài bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.