Hình như càng lớn, con người ta càng không thích Tết bởi Tết khi lớn người ta phải lo toan nhiều thứ, không còn là những đứa trẻ háo hức ngày Tết được mẹ đưa đi mua quần áo mới, được bố dẫn đi chợ hoa ngày Tết, mùi khói lửa của nồi bánh chưng 30 Tết cũng chẳng giống như xưa nữa. Vậy Tết Nguyên Đán trong bạn như thế nào?
Tại sao Tết bây giờ khác với Tết xưa?
Trẻ con áp lực với chuyện học hành “Năm nay cháu học sinh gì? Năm nay cháu đỗ trường nào?” hay ở cái tuổi “ẩm ương” như tôi – cái tuổi mười tám đôi mươi người ta thường hỏi về công việc, học hành ra sao “Cháu học trường đấy ra trường làm gì? Cháu kiếm được việc làm chưa?” rồi lại được dịp để người lớn so sánh “Con nhà A, B giờ sinh viên kiếm được việc làm rồi đấy. Cháu C kia giờ đi làm kiếm được tiền rồi đấy.” …và những câu nói gây “sát thương” vào những ngày năm mới, có thể khiến cho tôi cùng những đứa trẻ khác đều bị áp lực đồng trang lứa.
Trẻ con giờ đây cũng chẳng thấy Tết như xưa bởi Tết xưa cả năm chúng mới được mua một bộ quần áo mới và được ăn bánh kẹo thỏa thích, còn thời bây giờ thì quần áo mới và bánh kẹo ngày nào cũng có. Người lớn thường áp lực chuyện tiền nong vào mỗi dịp cuối năm, rồi câu chuyện hỏi “Lấy chồng chưa? Bao giờ lấy chồng? Lương bao nhiêu một tháng?”. Tết của người lớn thường bận bịu nhiều thứ, chuẩn bị cỗ, nấu nướng, dọn dẹp.
Nhưng thật ra, có lẽ ai cũng yêu Tết… và tôi cũng yêu Tết
Bởi lẽ, trong 365 ngày kia, con người ta tất bật, hối hả và lo toan trong công việc, học hành thì có lẽ ngày Tết là những giây phút kỳ diệu để chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhau nhiều hơn, ngồi ngẫm nghĩ xem một năm qua ta đã làm gì với một nụ cười cho qua.
Tôi yêu Tết, bởi trong những ngày Tết kia không còn nhìn thấy bố mẹ và những người thân tôi phải vất vả sớm muộn trong công việc hàng ngày mà chỉ có những giây phút thảnh thơi, vui vẻ bên gia đình.
Trong 365 ngày kia là sẽ có những ngày giận dỗi, những ngày ghét nhau, nổi nóng với nhau dù chỉ chuyện nhỏ nhưng chính cái ngày Tết kia lại khiến cho con người ta dịu dàng với cả thế giới hẳn, bao nhiêu chuyện ở năm cũ kia đều có thể cho qua hết, có một năm mới đầy sự bao dung, thấu hiểu, cảm thông nhau và sẵn sàng trao nhau những nụ cười thân thương, ấm áp.
Tôi yêu Tết bởi Tết là nơi mà mỗi con người xa quê hương đều được trở về bên cạnh gia đình mình, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm áp dù mâm cơm đó có mỹ vị hay đạm bạc nhưng nó luôn chứa tình yêu thương của gia đình.
Tết có mùi gì?
Có vị khói lửa của nồi bánh chưng, bếp lửa hồng kêu tách tách. Tết có mùi hương sắc hoa trong chợ phiên cuối năm, mùi dưa hành củ kiệu và cả “mùi” của những tiếng í ới gọi nhau đi phiên chợ. Vào 30 Tết, mùi của hương khói tản mộ, dịp cuối năm cô chú bác cùng các anh chị em thường cùng nhau đi tản mộ, mời những người đã khuất về ăn Tết cùng gia đình.
Tết có mùi vị ấm áp của gia đình. Tết là khoảng thời gian vui vẻ, ấm áp nhất của mỗi người con được trở về bên bố mẹ, dành nhiều thời gian cho bố mẹ sau một năm vất vả bận rộn kia. Tết có sự tất bật chuẩn bị bữa cơm tất niên chiều 30 Tết, có thời gian cùng gia đình bày biện nấu những món ăn ngon ngày Tết, đêm 30 Tết ngồi nhâm nhi bánh mứt xem Táo quân cuối năm với những nụ cười giòn giã.
Tết có mùi vị của sự hạnh phúc, vui vẻ, người lớn thì không phải lo toan công việc nữa, trẻ em thì vui vẻ hí hứng nhận những chiếc lì xì may mắn đầu năm.